Phương án quy hoạch xây dựng vùng huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn năm 2045.
Phạm vi, tính chất, hướng phát triển trọng tâm
Phạm vi: Gồm toàn bộ địa giới hành chính huyện Lang Chánh, diện tích tự nhiên toàn huyện là 585,63 km2;, ranh giới cụ thể như sau:
- Phía Bắc giáp huyện Bá Thước;
- Phía Nam giáp huyện Thường Xuân;
- Phía Đông giáp huyện Ngọc Lặc;
- Phía Tây giáp huyện Quan Sơn, huyện Sầm Tớ – tỉnh Hủa Phăn – nước CHDCND Lào.
Tính chất: Là huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa, là vùng sản xuất, chế biến lâm sản, chăn nuôi và chế biến các sản phẩm từ chăn nuôi, phát triển du lịch cộng đồng, giữ gìn nguồn nước, bảo tồn sinh thái, đảm bảo an sinh xã hội và an ninh quốc phòng.
Nội Dung Đề Xuất
Hướng phát triển trọng tâm: Phát triển lâm nghiệp bền vững và chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại hàng hóa chất lượng cao gắn với chế biến, ưu tiên cây, con chủ lực có giá trị kinh tế cao và các cây, con đặc sản. Phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch văn hóa tâm linh và khám phá mạo hiểm.
Bố trí, sắp xếp hệ thống các thị trấn, trung tâm cụm xã
Thị trấn Lang Chánh: Là trung tâm tổng hợp kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, dịch vụ thương mại của huyện, huyện lỵ huyện Lang Chánh.
Phạm vi ranh giới bao gồm thị trấn Lang Chánh hiện tại và xã Quang Hiến với tổng diện tích 2.681,99 ha, dân số đô thị 11.464 người, tỷ lệ đô thị hóa đạt 20,6%, nhu cầu đất xây dựng đô thị 150-170ha.
Trung tâm cụm xã: Xây dựng 02 trung tâm cụm xã có vai trò là trung tâm cho các tiểu vùng trong huyện, bao gồm: xã Yên Thắng – tiểu vùng phía Tây Bắc, xã Giao Thiện – tiểu vùng phía Đông Nam.
Định hướng phát triển hạ tầng kinh tế, xã hội
Định hướng phát triển hạ tầng xã hội
Ổn định các trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên, THCS và tiểu học trên địa bàn huyện, từng bước cải thiện cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng đào tạo và tăng thêm lớp học tùy theo nhu cầu thực tế.
Định hướng đến năm 2030, nâng cấp mở rộng Bệnh viện đa khoa huyện Lang Chánh đạt quy mô 250 giường bệnh, đảm bảo đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân toàn huyện.
Rà soát, sắp xếp lại các thiết chế văn hóa, thể thao cấp huyện như trung tâm văn hóa huyện quy mô khoảng 500 chỗ; sân vận động huyện diện tích khoảng 2,5 ha, quảng trường, công viên vui chơi giải trí, các thiết chế văn hóa cấp xã nhằm phục vụ tốt hơn đời sống nhân dân trong huyện.
Định hướng phát triển hạ tầng kinh tế
Xây dựng các khu, điểm du lịch bao gồm: khu du lịch sinh thái bản Năng Cát – thác Ma Hao diện tích khoảng 153 ha; khu danh lam thắng cảnh Hón Lối và đền Tên Púa, đền Vua – xã Giao Thiện huyện Lang Chánh.
Xây dựng 02 trung tâm thương mại hạng 3 phục vụ cho toàn huyện, bao gồm: TTTM thị trấn Lang Chánh, TTTM tại xã Yên Thắng với diện tích tối thiểu 01ha.
Hệ thống chợ trên địa bàn huyện gồm 05 chợ, bao gồm: Thị trấn Lang Chánh (chợ hạng 2) và 4 chợ hạng 3 ở các xã: Yên Thắng, Giao Thiện, Yên Khương, Tam Văn.
Quy hoạch cửa khẩu phụ và hạ tầng kỹ thuật thương mại cửa khẩu Méng bản Xắng Hằng, xã Yên Khương, huyện Lang Chánh.
Hạ tầng phát triển công nghiệp
Phát triển 02 CCN, gồm: CCN Bãi Bùi (mở rộng từ 40 ha lên 75 ha), CCN Lý Ái (20 ha); tổng diện tích đất khoảng 95 ha.
Quy hoạch hạ tầng giao thông huyện Lang Chánh
Tuân thủ hệ thống quốc lộ, tỉnh lộ theo quy hoạch đã được phê duyệt, bao gồm :
- Quốc lộ 15;
- Quốc lộ 16;
- Đường tuần tra biên giới;
- Đường tỉnh 530 và đoạn kéo dài Yên Khương – cửa khẩu Méng;
- Đường tỉnh 530B Lang Chánh – Lâm Phú;
- Tân Phúc – Văn Nho;
- Nối QL47-15-217 (nâng cấp từ Đường huyện).
BẢN ĐỒ QH THANH HÓA 2021 – 2030
(Quy hoạch huyện Lang Chánh)