Quy hoạch giao thông tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 bao gồm TP Lào Cai, TX Sa Pa, Bát Xát, Bảo Thắng, Bảo Yên, Bắc Hà, Mường Khương, Si Ma Cai, Văn Bàn.
Hiện trạng mạng lưới giao thông tỉnh Lào Cai
Lào Cai là tỉnh vùng cao miền núi, hội tụ đầy đủ 4 loại hình giao thông là đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và trong một vài năm tới sẽ có đường hàng không.
Mạng lưới đường bộ
Trên địa tỉnh hiện có 5 tuyến Quốc lộ với tổng chiều dài 456km và đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai với chiều dài qua địa phận tỉnh dài 72km; 16 tuyến đường tỉnh với chiều dài 969km và hơn 7.250km đường huyện, đường xã, đường thôn bản, đường nội đồng và đường tuần tra biên giới .
a) Hệ thống đường cao tốc, quốc lộ
Cao tốc Hà Nội – Lào Cai : Trên địa phận tỉnh Lào Cai, tuyến xuất phát từ xã Tân An, huyện Văn Bàn đến khu kinh tế cửa khẩu Kim Thành, dài 72,7 km. Đoạn từ Yên Bái đến Lào Cai đạt tiêu chuẩn đường cao tốc 2 làn xe, đoạn còn lại từ Bình Minh đến cửa khẩu Kim Thành dài 19 km đạt tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe.
Quốc lộ 70 : Bắt đầu từ ngã 3 Đoan Hùng (giao với QL2) – tỉnh Phú Thọ và kết thúc tại cầu Hồ Kiều 2, tỉnh Lào Cai; chiều dài 198 km, đi qua địa phận 3 tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai; đoạn trên địa phận tỉnh Lào Cai, bắt đầu từ An Lạc, đi theo hướng Tây Bắc qua địa phận các huyện Bảo Yên, Bảo Thắng, thành phố Lào Cai và kết thúc tại cầu Hồ Kiều 2 (ranh giới với Trung Quốc), dài 89 km.
Quốc lộ 4D : Bắt đầu từ Pa So (giao QL12) – tỉnh Lai Châu và kết thúc tại cửa khẩu Sín Tẻn, Mường Khương – tỉnh Lào Cai; toàn tuyến có chiều dài 194 km, đi qua 2 tỉnh Lào Cai và Lai Châu. Đoạn trên địa phận tỉnh Lào Cai, tuyến bắt đầu từ xã Hoàng Liên, đi qua thị xã Sa Pa, thành phố Lào Cai rồi đi chung với QL70 (từ đầu phía Bắc thành phố Lào Cai đến Bản Phiệt dài khoảng 8km), sau đó tách ra đi về phía huyện Mường Khương và kết thúc tại cửa khẩu Sín Tẻn,
huyện Mường Khương, dài 103 km.
Quốc lộ 4E : Tuyến nằm hoàn toàn trong địa phận tỉnh Lào Cai, xuất phát từ điểm giao với QL70 tại Bắc Ngầm, tuyến đi sang phía Tây qua thị trấn Phố Lu, tuyến đổi hướng đi ngược lên hướng Đông Bắc (gần như song song với QL70) và kết thúc tại Phường Kim Tân, thành phố Lào; toàn tuyến dài 44 km.
Quốc lộ 4 : Đoạn quốc lộ 4 trong địa phận tỉnh Lào Cai từ thị trấn Mường Khương (điểm giao với QL4D) tại km190 tuyến đi về phía Đông, đi qua các huyện Mường Khương, Si Ma Cai, Bắc Hà và nối sang địa phận huyện Xín Mần của tỉnh Hà Giang, dài 98 km.
Quốc lộ 279 : Đoạn trên địa phận tỉnh Lào Cai từ Nghĩa Đô (ranh giới với Hà Giang), đi theo hướng Tây, qua địa phận các huyện Bảo Yên, Văn Bàn và kết thúc tại đèo Khau Co (ranh giới với tỉnh Lai Châu), dài 122 km.
b) Hệ thống đường tỉnh
ĐT 151: Là trục giao thông có vai trò kết nối giữa 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái và tạo liên kết vành hệ quốc lộ 4 với và vành đai QL279 đảm bảo an ninh quốc phòng, chia sẻ giảm tải cho tuyến QL70, đồng thời ĐT151 phục vụ đắc lực cho vận chuyển quặng từ các mở khu vực Văn Bàn, Bảo Yên, Bảo Thắng,…
Điều chỉnh quy hoạch ĐT151 bắt đầu từ Km21+800/QL4E tại Xuân Giao đến Khe Lếch (giao QL279) dài 39,8km, hiện nay đã được nâng cấp đạt tiêu chuẩn cấp IV.
ĐT 151B (Đường Võ Lao – Phong Du Hạ) : Được quy hoạch nhằm giảm tải cho ĐT151 và phục vụ các cụm công nghiệp trên địa bàn 2 huyện Bảo Thắng và Văn Bàn. ĐT151B được hình thành trên cơ sở ĐH58, ĐH51, ĐH52 nối thông sang Yên Bái, hướng tuyến là: Võ Lao – Nậm Dạng – Hòa Mạc (Km112 – QL279) – Văn Bàn – Nậm Tha – Phong Du Hạ, tổng chiều dài 50,4km.
ĐT 151C (Đường Sơn Hà – Cam Cọn -Tân An – Khe Sang): Được quy hoạch trên cơ sở đường Sơn Hà – Cam Cọn – Tân An – Khe Sang, tổng chiều dài 37,6km.
ĐT 152 : Là trục giao thông kết nối thị xã Sa Pa và huyện Bảo Thắng, điểm đầu ở Sa Pa và điểm cuối nối với QL4E, tổng chiều dài 55,7 km, tuyến đi theo hướng Sa Pa – Bản Dền – Thanh Phú – Tả Thàng – Xuân Giao – cầu Phố Lu – Km22/QL4E. Trong tương lai, tỉnh Lào Cai sẽ tách đơn vị hành chính mới huyện Thanh Phú và hình thành đô thị Thanh Phú đạt loại 5 thì ĐT152 sẽ có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội của huyện mới.
ĐT 152B (Đường nối ĐT152 với QL279) : Để kết nối thông suốt các huyện phía Tây Nam của tỉnh, đã quy hoạch tuyến đường tỉnh nối ĐT152 tại Thanh Phú với QL279 tại Dương Quỳ. Tuyến dựa trên ĐH97 của thị xã Sa Pa, ĐH55 của huyện Văn Bàn và xây dựng mới đoạn Nậm Cang đến Nậm Chày, hướng tuyến là: Thanh Phú – Nậm Sài – Nậm Cang – Nậm Chày – Dương Quỳ, tổng chiều dài tuyến 55km, tuy nhiên hiện tại mới có khoảng 13km được đầu tư quy mô đường
cấp B-GTNT và cấp IV-V miền núi, còn lại chưa có đường.
ĐT 153 : Hướng tuyến: Bắc Ngầm (Km160/QL70) – Bắc Hà – Bản Liền – Tân Tiến – Nghĩa Đô (giao với QL279), tổng chiều dài của tuyến khoảng 72km, được đầu tư quy mô đường cấp B-GTNT và cấp IV miền núi, đây là tuyến giao thông huyết mạch của huyện Bắc Hà. Tuyến có vai trò quan trọng phát triển du lịch và đảm bảo an ninh quốc phòng.
ĐT 154 : Hướng tuyến là: Bản Lầu – Lùng Vai – Nậm Chảy – Mường Khương – Cao Sơn – Cốc Ly – QL70, tổng chiều dài khoảng 107km, được đầu tư quy mô đường cấp B-GTNT và từ cấp V-VI miền núi. ĐT154 qua 3 huyện Mường Khương, Bắc Hà và Bảo Thắng đồng thời nối QL4D với QL70. Tuyến ĐT154 có vai trò quan trọng phục vụ xây dựng, khai thác thủy điện Cốc Ly và phá thế độc đạo của tuyến QL4D lên huyện Mường Khương.
ĐT 155 : Là trục dọc phía Tây nối thông huyện Bát Xát, Sa Pa với thành phố Lào Cai đồng thời nối thông ĐT158 – QL4D – cao tốc Nội Bài – Lào Cai. Điểm đầu Dền Sáng, điểm cuối giao với cao tốc Nội Bài – Lào Cai; chiều dài L = 75,5km; hướng tuyến: Sàng Ma Sáo – Dền Sáng – Mường Hum – Bản Xèo – Ô Quý Hồ – thành phố Lào Cai.
ĐT 156 : Hướng tuyến: Khu cửa khẩu đường bộ số II Kim Thành – Ngòi Phát – Trịnh Tường – Tùng Sáng, tổng chiều dài là 51km, được đầu tư quy mô đường từ cấp III-IV miền núi. ĐT156 là tuyến dọc biên giới Việt Nam – Trung Quốc, nối thành phố Lào Cai với huyện Bát Xát, ngoài phục vụ vận tải khai thác mỏ khoáng sản đồng Sin Quyền,… thúc đẩy phát triển kinh tế của huyện Bát Xát còn có vai trò đặc biệt quan trọng phục vụ tuần tra biên giới đảm bảo ANQP.
ĐT 156B : Được quy hoạch theo hướng Hợp Thành – Tả Phời – Bắc Cường – Kim Tân – Bản Vược – Bản Xèo, tổng chiều dài 54km, được đầu tư quy mô đường cấp B-GTNT và từ cấp III-V miền núi. Việc quy hoạch ĐT156B đảm bảo phục vụ vận tải khai thác mỏ, khoáng sản như Apatit, đồng Sin Quyền… thúc đẩy phát triển kinh tế của huyện Bát Xát và Thành phố Lào Cai.
ĐT 157 : Nối thành phố Lào Cai với huyện Bảo Thắng theo hướng: Phố Mới – Làng Chung – Quốc lộ 70 (Km172) – Phong Hải – Thái Niên – Xuân Quang (Km6 – QL4E), tổng chiều dài 43km, được đầu tư quy mô đường cấp B-GTNT và từ cấp III-V miền núi. Tuyến ĐT157 có vai trò chia sẻ lưu lượng phương tiện giao thông và phá thế độc đạo của QL70 đoạn Phong Hải đến TP. Lào Cai.
ĐT 158 : Là tuyến nối từ trung tâm huyện Bát Xát đến các xã phía Tây Bắc huyện theo hướng: Tùng Sáng – A Mú Sung – A Lù – Y Tý – Dền Sáng – Sàng Ma Sáo, tổng chiều dài 70km, được đầu tư quy mô đường cấp A-GTNT và từ cấp IV-VI miền núi. Vai trò chính của ĐT158 là phục vụ phát triển văn hóa, xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng.
ĐT 159 : Hướng tuyến: Si Ma Cai – Quan Thần Sán – Hoàng Thu Phố – Bắc Hà – Lùng Phình – Tả Củ Tỷ – Bản Liền, điểm đầu tại Si Ma Cai, điểm cuối tại Bản Liền, dài 75,5km. Hiện tại toàn tuyến đạt tiêu chuẩn loại B-GTNT, cấp IV MN.
ĐT 160 : Hướng tuyến: Bảo Nhai – Bản Cái – Tân Dương – Xuân Hòa – Phố Ràng – Xuân Thượng – Việt Tiến (nối với Minh Chuẩn – Lục Yên tỉnh Yên Bái), tuyến có điểm đầu ở Bảo Nhai, điểm cuối ở Việt Tiến; chiều dài L = 83km, được đầu tư quy mô đường cấp B-GTNT và cấp V miền núi.
ĐT 161 : Điểm đầu tại Phố Mới, điểm cuối tại Lang Khay (Văn Yên – Yên Bái); chiều dài L = 59km, được đầu tư quy mô đường từ cấp III-VI miền núi. Hướng tuyến: Phố Mới – Vạn Hòa – Làng Giàng – Thái Niên – Phố Lu – Trì Quang – Kim Sơn – Bảo Hà (giao QL 279) – Lăng Khay (Văn Yên – Yên Bái).
ĐT 162 : Hướng tuyến: QL279 (Km105+230) qua xã Sơn Thủy – Nậm Rạng – Tằng Loỏng – Phú Nhuận nối ra cầu Phố Lu, tổng chiều dài tuyến khoảng 41km, được đầu tư quy mô đường cấp V, cấp III miền núi.
Đường sắt
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 3 tuyến đường sắt gồm: 1 tuyến đường sắt quốc gia và 2 tuyến đường chuyên dùng, cụ thể như sau:
Tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai: Nằm trên hành kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, Quảng Ninh, tuyến này đóng vai trò rất quan trọng trong vận tải hành khách, hàng hoá giữa tỉnh Vân Nam – Trung Quốc với Việt Nam.
Tuyến đường sắt chuyên dùng: Lào Cai có 2 tuyến đường sắt chuyên dùng vận chuyển quặng: tuyến nối ga Phố Lu vào mỏ Apatít Cam Đường và tuyến từ ga Xuân Giao đi nhà máy tuyển quặng Tằng Loỏng, với tổng chiều dài 58km.
Đường thủy nội địa
Trên địa phận tỉnh Lào Cai có 2 tuyến sông lớn chảy qua là Sông Hồng (sông Hồng) và sông Chảy.
Sông Hồng bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam Trung Quốc, chảy qua vùng miền núi phía Bắc Việt Nam với chiều dài 288km, chảy qua các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ và thành phố Hà Nội phân thành nhánh nối với sông Đuống – Kinh Thầy đi Hải Phòng, Quảng Ninh và nhánh chính qua Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định nối với sông Ninh. Đây là tuyến sông lớn duy nhất có thể tổ chức liên vận hàng hóa giao thương với Trung Quốc.
Tuyến Sông Chảy: Sông Chảy hình thành từ vùng núi tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) chảy vào Việt Nam tại tỉnh Hà Giang qua tỉnh Lào Cai, đoạn trên địa phận tỉnh Lào Cai dài khoảng 100km.
Hàng không
Cảng hàng không Sa Pa đã được phê duyệt điều chỉnh quy hoạch (Quyết định số 455/QĐ-BGTVT ngày 04/02/2016) với quy mô tiêu chuẩn là sân bay dân dụng cấp 4C và sân bay quân sự cấp II với công suất 1.585 nghìn hành khách/năm, 2.880 tấn hàng hóa/năm; địa điểm xây dựng tại xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên.
Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển GTVT hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 23/02/2018) trong đó đổi tên thành cảng hàng không Sa Pa và sẽ đầu tư xây dựng, đưa vào khai thác trong giai đoạn đến 2021-2025.
Cảng hàng không Sa Pa được đầu tư xây dựng sẽ có tác động rất tích cực đến phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Lào Cai, vùng và cả nước; có thể kết nối Cảng hàng không Sa Pa với trung tâm kinh tế lớn của miền Nam như TP Hồ Chí Minh, Nha Trang, Buôn Mê Thuột, Pleiku, Phú Quốc… đáp ứng được nhu cầu kết nối với một số sân bay quốc tế.
Quy hoạch giao thông tỉnh Lào cai tới năm 2030, tầm nhìn năm 2050
Quy hoạch đường bộ tỉnh Lào Cai
Các tuyến quốc lộ, cao tốc
Đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai:
Trước năm 2030, xây dựng hoàn chỉnh đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai với quy mô 06 làn xe (theo Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050).
Giai đoạn 2031-2050: Nghiên cứu đầu tư nâng cấp mở rộng 6 đến 8 làn xe trên từng đoạn tuyến Hà Nội – Yên Bái và Yên Bái – Lào Cai.
Quốc lộ 70: Đến năm 2030, xây dựng, nâng cấp toàn tuyến đạt tiêu chuẩn tối thiểu đường cấp III – IV, 2- 4 làn xe; đầu tư xây dựng tuyến tránh Phố Ràng, Bắc Ngầm, Phong Hải … các đoạn tuyến qua khu dân cư, đô thị đầu tư xây dựng theo quy hoạch; xây dựng các trạm dừng nghỉ trên tuyến.
Quốc lộ 4D: Đến năm 2030, xây dựng, nâng cấp toàn tuyến đạt tiêu chuẩn tối thiểu đường cấp III – IV, 2- 4 làn xe; xây dựng hầm qua đèo Hoàng Liên; xây dựng tuyến tránh Bản Lầu; các đoạn tuyến qua khu dân cư, đô thị đầu tư xây dựng theo quy hoạch; xây dựng các trạm dừng nghỉ trên tuyến.
Quốc lộ 4: Đến năm 2030, xây dựng, nâng cấp toàn tuyến đạt tiêu chuẩn tối thiểu đường cấp III – IV, 2 – 4 làn xe; xây dựng tuyến tránh thị trấn Si Ma Cai; các đoạn tuyến qua khu dân cư, đô thị đầu tư xây dựng theo quy hoạch; xây dựng các trạm dừng nghỉ trên tuyến.
Quốc lộ 4E: Đến năm 2030, xây dựng, nâng cấp toàn tuyến đạt tiêu chuẩn tối thiểu đường cấp IV, 2 làn xe; xây dựng tuyến tránh Bảo Nhai – Bắc Hà, Phố Lu, Cốc Mỳ, Trịnh Tường…; các đoạn tuyến qua khu dân cư, đô thị đầu tư xây dựng theo quy hoạch.
Quốc lộ 279: Đến năm 2030, xây dựng, nâng cấp toàn tuyến đạt tiêu chuẩn tối thiểu đường cấp III-IV, 2 – 4 làn xe; xây dựng các tuyến tránh Nghĩa Đô, Phố Ràng, Bảo Hà (gồm cả cầu vượt sông Hồng, đường sắt).
Nghiên cứu phương án xây dựng hầm qua đèo Khau Co; các đoạn tuyến qua khu dân cư, đô thị đầu tư xây dựng theo quy hoạch; xây dựng các trạm dừng nghỉ trên tuyến.
Các tuyến tỉnh lộ
Đường tỉnh 151: Đến năm 2030, cải tạo nâng cấp toàn tuyến đạt quy mô tối thiểu cấp III – IV miền núi; xây dựng các tuyến tránh Xuân Giao, thị trấn Tằng Loỏng, Võ Lao…
Cải tạo nâng cấp toàn tuyến các tuyến ĐT.151B, ĐT.151C; ĐT.152; ĐT.153; ĐT.155; ĐT.156B; ĐT.157; ĐT.160; ĐT.161; ĐT.162 và ĐT.159 đạt quy mô tối thiểu cấp III – IV miền núi.
Đường tỉnh 152B: Đến năm 2030, cải tạo nâng cấp toàn tuyến đạt quy mô tối thiểu cấp V miền núi.
Đường tỉnh 156: Đến năm 2025, hoàn thành nâng cấp đoạn Kim Thành – Ngòi Phát với quy mô nền đường rộng 35m đến 45m, chiều dài 12 km, đạt tiêu chuẩn tối thiểu đường cấp IV để điều chỉnh thành QL.4E kéo dài; xây dựng tuyến đường và kè dọc sông biên giới từ Bản Vược – Trịnh Tường với quy mô mặt đường rộng 12m đến 25m. Đến năm 2030, nâng cấp toàn tuyến đạt quy mô tối thiểu cấp III.
Đường tỉnh 158: Đến năm 2030, cải tạo nâng cấp toàn tuyến đạt quy mô tối thiểu cấp IV miền núi. Xây dựng các tuyến đường tránh qua các đô thị theo quy hoạch được duyệt, bổ sung kéo dài 1 số tuyến cho phù hợp khi có nhu cầu.
Giao thông đô thị: Xây dựng các tuyến đường theo quy hoạch đô thị, đảm bảo chiều rộng mặt đường tối thiểu ≥ 7,5 m.
Các công trình khác
– Cải tạo, nâng cấp tuyến đường Trịnh Tường – Phìn Hồ – Y Tý đạt quy mô tối thiểu cấp IV miền núi, 2 làn xe, chiều dài khoảng 30 km.
– Cải tạo, nâng cấp tuyến đường Đường Sa Pả – Hầu Thào đạt quy mô tối thiểu cấp IV miền núi, 2 làn xe, chiều dài khoảng 14 km.
– Xây dựng mới tuyến đường Làng Giàng – Ql.70 đạt quy mô tối thiểu cấp IV, 2 làn xe, chiều dài khoảng 22 km.
– Xây dựng mới tuyến đường Võ Lao – nút giao Cảng hàng không Sa Pa đạt quy mô tối thiểu cấp III, 2 – 4 làn xe, chiều dài khoảng 10 km.
– Xây dựng mới tuyến đường kết nối ĐT.155 với thị xã Sa Pa đạt quy mô tối thiểu cấp III, 2- 4 làn xe, chiều dài khoảng 4 km.
– Xây dựng mới tuyến đường kết nối CHK Sa Pa – ĐT.161 – QL.70 – QL.279 đạt quy mô tối thiểu cấp III-IV, 2-4 làn xe, chiều dài khoảng 25 km.
– Xây dựng mới tuyến đường Tằng Loỏng – IC17 – Trần Hưng Đạo đạt quy mô tối thiểu cấp III, 2-4 làn xe, chiều dài khoảng 13 km.
– Xây dựng mới tuyến đường kết nối TP. Lào Cai – Tả Phời – Ú Sì Sung và kết nối với Sa Pa đạt quy mô tối thiểu cấp IV – V, 2 làn xe, chiều dài khoảng 45 km.
– Xây dựng mới tuyến đường Xây dựng tuyến đường kết nối từ xã Dền Sáng (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) – Sìn Súi Hồ (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) đạt quy mô tối thiểu cấp IV – V, 2 làn xe, chiều dài khoảng 40 km.
– Xây dựng cầu đường bộ qua suối Lũng Pô xã A Mú Sung huyện Bát Xát với huyện Kim Bình tỉnh Vân Nam – Trung Quốc; cầu qua sông Hồng tại xã Bản Qua, huyện Bát Xát.
– Xây dựng cầu qua sông Chảy tại lối mở Hóa Chư Phùng, huyện Si Ma Cai.
– Xây dựng cầu đường bộ qua sông Hồng thuộc khu vực Bát Xát (Việt Nam) – Bá Sái (Trung Quốc)
– Xây dựng các cầu vượt sông Hồng tại TP Lào Cai, Bảo Thắng, Bảo Hà, Cam Cọn (huyện Bảo Yên).
– Xây dựng mới tuyến đường dọc sông Hồng từ Thành phố Lào Cai – Phố Lu – Văn Bàn – Bảo Hà đạt quy mô tối thiểu cấp IV – III, 2 làn xe, chiều dài khoảng 75 km.
Quy hoạch đường sắt tỉnh Lào Cai
– Giai đoạn 2021-2025: Hoàn thành quy hoạch phương án tuyến đối với khổ đường sắt 1.435mm Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng. Thống nhất phương án kết nối, đấu nối ray đoạn tuyến đường sắt giữa ga Lào Cai (tỉnh Lào Cai, Việt Nam) với ga Hà Khẩu Bắc (tỉnh Vân Nam – Trung Quốc) khổ tiêu chuẩn 1.435 mm.
– Giai đoạn 2026-2030: Kêu gọi đầu tư tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn 1.435 mm tuyến Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng; cải tạo tuyến đường sắt Phố Lu – Cam Đường phục vụ công nghiệp khai thác, chế biến Apatite và tuyến từ Cam Đường – Xuân Giao – Tằng Loỏng đảm đương tốt hơn việc chuyên chở quặng, hàng hoá và hành khách khi có nhu cầu; chuyển tuyến đường sắt vận tải quặng Cam Đường – Đồng Hồ ra ngoài khu trung tâm đô thị.
– Đường sắt chuyên dùng: Định hướng đầu mối kết nối với đường sắt chuyên dùng là ga Phố Lu và ga Xuân Giao với Khu mỏ Apatit Lào Cai và kết nối cảng cạn Lào Cai với ga Lào Cai.
Quy hoạch đường thủy tỉnh Lào Cai
– Giai đoạn 2021-2030: Đầu tư, xây dựng các bến trên sông Chảy đoạn Bảo Nhai – Cốc Ly và vùng hồ Bắc Hà, có bậc lên xuống, sân bãi được cứng hóa, nhà chờ có mái che phục vụ du khách thăm quan du lịch vùng hồ và phục vụ dân sinh (đi học, đi chợ…); quy hoạch các tuyến vận tải thủy chính đoạn từ cảng Việt Trì – Yên Bái – ngã ba Nậm Thi đạt cấp III.
Kêu gọi đầu tư và triển khai xây dựng tuyến đường thuỷ nội địa trên sông Hồng từ Yên Bái đến ngã ba Nậm Thi (TP. Lào Cai) dài khoảng 166 km đạt cấp III để phát triển du lịch và vận tải hàng hóa.
Xây dựng tối thiểu 02 đập dâng nước kết hợp thủy điện có âu thông thuyền trên tuyến; Định hướng mở thêm một số bến mới trên sông Chảy khi có nhu cầu phát triển du lịch, đặc biệt là vùng hồ Bắc Hà.
Đầu tư xây dựng một số cảng hóa trên một số sông lớn trên địa bàn tỉnh đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh như cụm cảng hàng hóa Lục Cẩu (Kim Thành), Phố Mới, Phố Lu, Bảo Hà và cảng khác khi có nhu cầu phát triển KT-XH.
– Giai đoạn 2031-2050: Mở rộng, nâng cấp luồng tuyến, bến bãi trên sông Hồng và sông Chảy khi có nhu cầu.
Quy hoạch đường không tỉnh Lào Cai
– Giai đoạn 2021-2025: Hoàn thành xây dựng Cảng hàng không Sa Pa đạt tiêu chuẩn là cấp 4C, công suất từ 1,5 triệu hành khách/năm.
– Sau năm 2025, hoàn thiện các hạng mục của dự án đạt công suất tối thiểu 3,0 triệu hành khách/năm, định hướng là Cảng hàng không Quốc tế có khả năng khai thác các chuyến bay quốc tế thường lệ khi có nhu cầu.
– Định hướng xây dựng các sân bay trực thăng tại các huyện Bắc Hà, Bát Xát, thị xã Sa Pa và TP. Lào Cai để phục vụ phát triển du lịch, cứu hộ cứu nạn.
Phương án phát triển cảng cạn
Đến năm 2030, xây dựng hệ thống cảng cạn với tổng năng lực thông qua hàng hóa trên 1.500.000 TEU tại: cảng cạn Lào Cai, cảng cạn Kim Thành – Bản Vược, cảng cạn gắn với cảng hàng không Sa Pa và cảng khác khi có nhu cầu.
Theo Duan24h.net
(Quy hoạch giao thông tỉnh Lào Cai : TP Lào Cai, TX Sa Pa, Bát Xát, Bảo Thắng, Bảo Yên, Bắc Hà, Mường Khương, Si Ma Cai, Văn Bàn.)
Ngân Hàng cho vay tiêu dùng, bất động sản, phát hành thẻ 100 triệu tại TP Hà Nội
LIÊN HỆ MR. QUANG
0934.569.938 (ZALO 247)