Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050: TP Hưng Yên, TX Mỹ Hào, Ân Thi, Khoái Châu, Kim Động, Phù Cừ, Tiên Lữ, Văn Giang, Văn Lâm, Yên Mỹ.
Phạm vi, ranh giới lập quy hoạch
Phạm vi, ranh giới lập quy hoạch tỉnh Hưng Yên bao gồm toàn bộ phạm vi phần lãnh thổ tỉnh Hưng Yên với tổng diện tích tự nhiên 930,22 km2; 10 đơn vị hành chính gồm: Thành phố Hưng Yên, thị xã Mỹ Hào và 8 huyện (Ân Thi, Khoái Châu, Kim Động, Phù Cừ, Tiên Lữ, Văn Giang, Văn Lâm, Yên Mỹ).
- Phía Bắc giáp tỉnh Bắc Ninh,
- Phía Đông giáp tỉnh Hải Dương,
- Phía Tây và Tây Bắc giáp thủ đô Hà Nội,
- Phía Tây Nam giáp tỉnh Hà Nam và phía Nam giáp tỉnh Thái Bình.
Ngoài ra, trong quá trình nghiên cứu xây dựng quy hoạch cần xác định vai trò và các quan hệ kinh tế của tỉnh Hưng Yên với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận có tác động trực tiếp đến tỉnh bao gồm: Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nam, Thái Bình; Vùng Thủ đô Hà Nội, Vùng Đồng bằng sông Hồng, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ…
Nội Dung Đề Xuất
Mục tiêu quy hoạch tỉnh Hưng Yên
Phấn đấu đến năm 2030, Hưng Yên phát triển nhanh, bền vững, trở thành tỉnh có trình độ phát triển trong nhóm dẫn đầu cả nước; theo hướng trở thành một đô thị thông minh (A), xanh, môi trường sống tốt; có mạng lưới kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội từng bước hiện đại; công nghiệp thuộc nhóm phát triển mạnh của cả nước; đời sống nhân dân được nâng cao; bản sắc văn hoá được bảo tồn và phát huy; chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xanh, các-bon thấp; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng được tăng cường.
Đến năm 2050, Hưng Yên trở thành thành phố thông minh (B), giàu đẹp, kết cấu hạ tầng hiện đại, xã hội phát triển hài hoà, có bản sắc văn hóa riêng, môi trường có chất lượng tốt, trong lành và an toàn.
Hưng Yên chuyển từ nền kinh tế chủ yếu dựa vào các yếu tố cơ bản (lao động chi phí thấp, tài nguyên thiên nhiên, chế biến thô) sang nền kinh tế định hướng hiệu quả (nền kinh tế có khả năng sản xuất các sản phẩm và dịch vụ tiên tiến, dựa trên lao động có kỹ năng, hiệu quả cao) trong giai đoạn 2021-2030 và sang nền kinh tế định hướng đổi mới sáng tạo (nền kinh tế có khả năng tạo ra các sản phẩm và dịch vụ sáng tạo với công nghệ tiên tiến hàng đầu) trong thời kỳ 2031-2050.
A. Các chuyên gia quốc tế đề xuất xây dựng tại Hưng Yên môi trường sống thanh bình, êm đềm, thoải mái, thân thiện, gần gũi, nhiều dải xanh, chất lượng sống cao, thu hút chuyên gia, lao động có kỹ năng, người thu nhập khá đến sinh sống.
B. Bao gồm (1) Chính quyền thông minh; (2) Hạ tầng kỹ thuật số thông minh; (3) Nền kinh tế thông minh; (4) Con người thông minh; (5) Cuộc sống thông minh; (6) Giao thông thông minh; (7) Môi trường thông minh.
Quy hoạch tổ chức không gian tỉnh Hưng Yên
Tổ chức không gian tỉnh Hưng Yên theo mô hình “mạng lưới”, đa cực tích hợp, dựa trên cấu trúc khung phát triển gồm: 02 vùng, 02 hành lang, 05 trục, 03 trung tâm, cụ thể như sau:
Hai (02) vùng phát triển
1/ Vùng phát triển phía Nam là vùng phát triển đô thị – khoa học công nghệ – dịch vụ – du lịch và công nghiệp ứng dụng công nghệ cao; vùng bảo tồn, phát huy mạnh mẽ những giá trị cốt lõi của văn hóa Phố Hiến xưa; giàu bản sắc văn hóa của trung tâm vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng.
2/ Vùng phát triển phía Bắc là vùng phát triển đô thị – công nghiệp năng động của tỉnh gắn với Thủ đô Hà Nội, cảng hàng không quốc tế Nội Bài, trục hành lang kinh tế – đô thị quan trọng quốc gia, quốc tế (QL.5, cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, đường sắt Hà Nội – Hải Phòng) và cảng biển cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng).
Hai (02) hành lang phát triển
1/ Hành lang công nghiệp – đô thị cấp vùng gắn với QL.5 và cao tốc Hà Nội – Hải Phòng;
2/ Hành lang văn hóa – lịch sử – sinh thái sông Hồng, phát triển du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái gắn với tuyến đường “Di sản” ven sông Hồng.
Năm (05) trục phát triển
1/ Trục phát triển Bắc Nam (trục QL.39, cao tốc Hà Nội – Hải Phòng/đường nối cao tốc và vành đai 5) là trục chính phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
2/ Trục phát triển Bắc Nam phía Đông (trục kết nối Mỹ Hào, Ân Thi, Phù Cừ gắn với đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng tại nút giao Tân Phúc), là trục liên kết mới phía Đông thúc đẩy phát triển công nghiệp – đô thị – dịch vụ.
3/ Trục vành đai: trục vành đai 4 gắn kết cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình, kết nối đô thị Văn Giang của Hưng Yên với khu vực Thanh Trì, Thường Tín của Hà Nội.
4/ Trục đường nối cao tốc Bô Thời – Dân Tiến: kết nối cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình, theo hướng QL.21, kết nối đô thị Bô Thời, Khoái Châu của Hưng Yên với đô thị vệ tinh Phú Xuyên và khu vực phía Nam của thành phố Hà Nội.
5/ Trục QL.38, 38B: qua cầu Yên Lệnh kết nối thành phố Hưng Yên với cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình, thị xã Duy Tiên, khu công nghiệp Đồng Văn của Hà Nam và thành phố Hải Dương về phía Đông.
Ba (3) đô thị trung tâm
1/ Thành phố Hưng Yên: Thành phố Hưng Yên là đô thị trung tâm vùng phía Nam, là đô thị trung tâm Tỉnh, là trung tâm hành chính chính trị, kinh tế xã hội, văn hóa, du lịch, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ… của Tỉnh. Đến năm 2030, thành phố Hưng Yên cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại I. Tầm nhìn đến năm 2037 vùng đô thị hóa thành phố Hưng Yên mở rộng về phía Bắc và phía Đông trở thành đô thị loại I trực thuộc Tỉnh. Tầm nhìn đến năm 2050 là các quận trung tâm của thành phố Hưng Yên trực thuộc trung ương.
2/ Đô thị Văn Giang: Đô thị Văn Giang là đô thị trung tâm vùng phía Bắc, là đô thị dịch vụ và nhà ở hiện đại, đồng bộ theo hướng sinh thái, thông minh, là khu vực có chất lượng đô thị hóa tốt, thúc đẩy quá trình đô thị hóa khu vực phía Bắc của Tỉnh. Đến năm 2030, đô thị Văn Giang (bao gồm toàn bộ huyện) cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại II. Tầm nhìn đến năm 2037 vùng đô thị hóa Văn Giang bao gồm huyện Văn Giang và phụ cận mở rộng về phía Nam (H. Khoái Châu) và Đông Nam (H. Yên Mỹ). Tầm nhìn đến năm 2050, là các quận trung tâm của thành phố Hưng Yên trực thuộc Trung ương.
3/ Đô thị Mỹ Hào: Đô thị Mỹ Hào là đô thị trung tâm vùng phía Bắc, là đô thị công nghiệp, dịch vụ thương mại và nhà ở theo hướng thông minh. Đến năm 2030, đô thị Mỹ Hào cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại II. Tầm nhìn đến năm 2037 vùng đô thị hóa Mỹ Hào bao gồm thị xã Mỹ Hào và phụ cận mở rộng về phía Nam (H. Ân Thi) và Tây Nam (H. Yên Mỹ). Tầm nhìn đến năm 2050, là các quận trung tâm của thành phố Hưng Yên trực thuộc trung ương.
Tài liệu, bản đồ QH tỉnh Hưng Yên
Lưu ý: Hồ sơ Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thơi kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 rà soát trình thẩm định
Báo cáo tóm tắt QH tỉnh Hưng Yên
Báo cáo thuyết minh tổng hợp QH tỉnh Hưng Yên
Bản đồ phương án quy hoạch đô thị
Bản đồ phương án tổ chức không gian và phân vùng chức năng
Bản đồ phương án cơ sở ý tế, bảo trợ xã hội
Bản đồ phương án hạ tầng thương mại
Bản đồ phương án văn hóa thể thao du lịch
Bản đồ phương án cơ sở giáo dục đào tạo, nghề nghiệp, khcn
Bản đồ phương án hạ tầng viễn thông, mạng lưới điện, thông tin
Bản đồ phương án hệ thống cấp nước, chất thải rắn, nghĩa trang
Bản đồ phương án quy hoạch sử dụng đất
Bản đồ phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước và tài nguyên
Bản đồ phương án bảo vệ môi trường thiên nhiên, đa dạng sinh học
Bản đồ phương án phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu
Bản đồ phương án xây dựng vùng liên huyện
Bản đồ phương án dự án ưu tiên
Bản đồ phương án phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp
Tổng hợp bởi Duan24h.net